Lợi ích của kỳ thi SAT với học sinh Việt Nam
[GÓC BÁO CHÍ: Nguồn tại Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam] SAT (viết tắt của Scholastic Assessment Test) là một trong những kỳ thi chuẩn hóa phổ biến, được các trường đại học Mỹ sử dụng kết quả để xét tuyển sinh viên.
THÚY NGỌC _ Chuyên gia tư vấn giáo dục cao cấp của ISTAR
Hiện nay, kì thi SAT đã phổ biến hơn đối với học sinh Việt Nam và đặc biệt được quan tâm bởi các bạn có mục tiêu đi du học Mỹ. Tuy nhiên, đa số các bạn vẫn chưa thực sự hiểu sâu về SAT và những lợi ích của việc tham gia kì thi SAT đem lại.
Những thông tin căn bản và cấu trúc bài thi SAT
SAT (viết tắt của Scholastic Assessment Test) là một trong những kỳ thi chuẩn hóa phổ biến, được các trường đại học Mỹ sử dụng kết quả để xét tuyển sinh viên.
Kỳ thi này được quản lý bởi tổ chức phi lợi nhuận College Board của Mỹ và được phát triển bởi tổ chức ETS – Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ.
SAT có 2 kỳ thi chính là SAT I (Reasoning Testing) và SAT II (SAT Subject Test). SAT I là tiêu chí phổ biển được xét khi xin học ở các trường đại học cao tại Mỹ, dùng để kiểm tra khả năng tư duy logic và phân tích vấn đề của các thí sinh.
Thường bài thi SAT I kéo dài trong 3 tiếng và được chia làm 3 phần chính: Đọc hiểu (Reading), Viết (Writing and Language), Toán (Math). Tất cả các câu hỏi đều dưới dạng trắc nghiệm.
Ngoài ra, SAT có phần thi luận (Essay), tuy nhiên ứng viên không bắt buộc phải làm phần luận mà tùy chọn có thi hay không.
Phần Reading – Đọc hiểu được làm trong 65 phút với tổng cộng 52 câu, nội dung tập trung kiểm tra hiểu biết về văn hóa, lịch sử, xã hội, kinh tế và khoa học…
Phần Writing & Language – Viết được làm trong 35 phút với 44 câu. Nội dung sẽ xoay quanh các đoạn văn về đề tài nghề nghiệp, lịch sử, xã hội học và khoa học.
Trong phần này thí sinh cần có khả năng tốt về từ vựng, ngữ pháp và khả năng sửa lỗi câu.
Phần Math – Toán được làm trong 80 phút với tổng cộng 58 câu, được chia làm hai phần: được sử dụng máy tính và không được sử dụng máy tính. Bài thi toán của SAT sẽ có nhiều câu hỏi tình huống gắn liền thực tiễn.
Kỳ thi SAT được ưa chuộng không chỉ ở Mỹ mà trên thế giới
Phần lớn các học sinh cuối cấp trung học tại Mỹ đều tham dự kỳ thi SAT. Tổ chức SAT nhấn mạnh mục đích của SAT là kiểm tra kỹ năng ngôn ngữ và tính toán, cũng như đánh giá khả năng người dự thi phân tích và giải quyết vấn đề – kỹ năng mà đã được học tại trung học và cần thiết ở các bậc học cao hơn.
SAT I được đa số các trường đại học hàng đầu nước Mỹ lựa chọn làm xem xét như một trong các tiêu chuẩn đầu vào để đánh giá sinh viên.
Kỳ thi này được xem như một thước đo quan trọng trong việc tuyển sinh song song với các tiêu chí xét tuyển khác như điểm GPA các năm phổ thông, các hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu, bài luận, phỏng vấn….
Vì có sự khác biệt giữa chương trình, phương thức cho điểm, sự khác biệt về các loại hình trường và cách học tập – thi cử cho điểm ở phổ thông giữa các bang, các nước… nên SAT được dùng để bổ trợ bảng điểm và giúp phòng tuyển sinh đại học phân loại được năng lực thí sinh.
Không chỉ tại Mỹ, các trường đại học hàng đầu thế giới tại các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Canada, Úc, New Zealand, Phần Lan, Nhật Bản… đều rất khuyến khích thí sinh có điểm SAT cao, không chỉ để được nhập học mà còn để xét học bổng.
Các trường đại học Việt Nam xét tuyển thẳng bằng SAT
Với việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, các trường đại học Việt Nam mong muốn có nhiều cách để lựa chọn những thí sinh phù hợp với các chương trình đào tạo của nhà trường.
Các bạn học sinh cũng có nhiều cơ hội xét tuyển, nhiều con đường vào trường hơn, một trong số đó là có điểm SAT.
Trường Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển trực tiếp các thí sinh có chứng chỉ chuẩn hóa quốc tế. Cụ thể là đối với các thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT I đạt điểm từ 1.100/1.600.
Tương tự, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) cũng áp dụng điều kiện xét tuyển này trong phương thức xét tuyển kết hợp: Thí sinh có SAT từ 1200/1600 điểm trở lên và có tổng điểm thi Trung học phổ thông năm 2020 của Tổ hợp bất kỳ trong các tổ hợp xét tuyển của Trường đạt từ 18 điểm trở lên (gồm điểm ưu tiên) sẽ được xét tuyển.
Đối với trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các bạn sẽ được xét tuyển thẳng vào các Chương trình đào tạo quốc tế của trường với những bạn đạt SAT với số điểm 1270/1600 trở lên.
Học SAT thời Covid
SAT cũng như mọi mặt của đời sống xã hội không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19: Các kỳ thi liên tục bị hủy, các trường đại học Mỹ tuyên bố năm nay không bắt buộc thí sinh phải nộp điểm thi SAT.
Nhưng nếu các bạn có mong muốn vào các trường Đại học tốt, xếp hạng cao, cạnh tranh nhiều thì vẫn nên học và thi SAT – nếu có thể. Vì điểm SAT cao là yếu tố rõ ràng, thuyết phục, dễ chứng minh nhất trong phần hồ sơ năng lực học thuật.
Các bạn có SAT cao sẽ không bị “lẫn trong đám đông” học sinh Việt Nam đa số đều có điểm GPA 8-9/10.
Điểm SAT 1.300-1.400/1.600 cũng dễ học, dễ thi đạt hơn rất nhiều so với việc đi “cày” các bằng chứng học thuật khác như Huy chương trong các kỳ thi học sinh giỏi…
Học SAT, các bạn cũng được học, được chuẩn bị về từ vựng, kiến thức, kỹ năng để sau này khi đi du học cũng dễ thích nghi với phương pháp học ở nước ngoài.
Thông thường, để làm quen và ôn luyện các kỹ năng thi SAT học sinh cần 6 đến 12 tháng.
Các bạn có kế hoạch du học nên luyện thi SAT từ năm lớp 10 hoặc 11 để có thể tham gia các kỳ thi SAT vào năm lớp 11 hoặc 12, không nên để quá muộn sẽ vất vả và khó có được kết quả như ý.
Để biết trình độ của mình, các bạn có thể thi thử SAT miễn phí tại:
https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSdpVLfsO2UgzYe3RuVjpn3oWMhE-Qxs50-0zTeatKB-3gCkXg/viewform